Xe đạp và nữ quyền ở Châu Phi

Một trong những việc đầu tiên tôi làm khi chuyển tới một thị trấn nhỏ ở Tanzania là tìm mua xe đạp cũ. Tậu được chiếc xe vintage màu xanh ngọc, mua thêm chùm hoa vàng gắn phía trước khiến các bạn tranh nhau chụp ảnh, tôi phấn khởi bước vào “a new chapter in life”, nói hoa mỹ thành “một chương đời mới”. Nào ai biết chương ấy chuẩn bị đầy mồ hôi, đổ cả máu và thi thoảng chửi thề. Cái nắng cao nguyên hết sương mù sẽ như lửa đốt, tôi chịu tốt. Đường quanh co khúc khuỷu lắm đoạn đạp muốn xỉu, chẳng sao nốt. Nhưng việc ngày ngày bị đàn ông chòng ghẹo dọc đường, bị quấy rối bằng cả lời nói lẫn hành động và đỉnh điểm lần ngã sấp mặt do bị một phụ xe bus thò tay ra khỏi cửa trêu, tôi tức mình cho cái xe đi luôn. Ở lâu thêm, tôi mới để ý số lần mình bắt gặp phụ nữ đạp xe ở thị trấn nhỏ là không và ở cả Đông Phi là một. Vì sao một phương tiện giản đơn như xe đạp lại không phổ biến cho phụ nữ nơi đây?

Trên thực tế, kể từ thời điểm ra đời thế kỷ 19, xe đạp đã được coi như “feminist machine” (cỗ máy của nữ quyền) khi trước đó, phụ nữ trong các phục trang rườm rà ngộp thở được kỳ vọng sẽ chỉ đi bộ, cưỡi ngựa hoặc ngồi xe ngựa dưới sự giám sát của đàn ông. Từ những phụ nữ Pháp đầu tiên đạp velocipede hai bánh kích cỡ khác nhau tới Annie Cohen Kopchovsky, người phụ nữ đầu tiên hoàn thành hành trình đạp xe quanh thế giới năm 1895 hay phóng viên nữ và người Mỹ gốc Phi đầu tiên đạp xe, vv… những năm cuối thế kỷ này đánh dấu sự “nổi dậy” của phái đẹp đi cùng cải cách thời trang. Có xe đạp và biết đạp xe đồng nghĩa quyền tự do đi lại, có thêm công cụ kiếm sống và thêm tiếng nói. Thời điểm ấy, thuật ngữ “bicycle face” (gương mặt đạp xe) xuất hiện để mô tả sự xấu xí nhễ nhại mà hoạt động này mang lại. Giới y khoa nhuốm màu định kiến giới cũng nhảy vào cho rằng đạp xe dẫn tới kiệt sức, mất ngủ, đau đầu, trầm cảm, thậm chí lao phổi và gout!

Thế kỷ 21, xe đạp đã trở thành một phương tiện phổ biến cho mọi lứa tuổi. Giải đua xe đạp nữ đầu tiên trên thế giới mới chỉ diễn ra năm 1984 tại Los Angeles Olympics. Tháng 11/2021, giải xe đạp nữ lần đầu trong lịch sử Châu Phi tổ chức tại Burundi với 5 nước tham dự (lục địa hiện có 54 quốc gia). Người tham gia đều có quyền lực kinh tế nhất định trong cộng đồng, họ đạp cho vui và thể hiện bản lĩnh. Vậy còn hàng trăm triệu phụ nữ bé nhỏ vô danh ngoài kia, liệu quan niệm thâm căn cố đế có khiến họ chưa từng mơ ước sở hữu một chiếc xe đạp bon bon trên các con đường ngập nắng Phi Châu để tới trường tới chợ tới giếng nước? Ngoài lý do dễ hiểu là phụ nữ nơi đây hay mặc váy quấn từ miếng vải liền tấm, nhiều người vẫn tin rằng đạp xe dẫn đến nhiều hiểm họa và đặc biệt trẻ em gái có thể mất trinh. Về phần tôi, vì lý do an toàn cho bản thân, tôi đã phải chuyển qua xe có người đưa rước, mình đẹp mình có quyền.

Trước đây, từng có sư cô và một nhóm thiện nguyện ở Sài Gòn liên hệ hỏi tôi về thông tin làm từ thiện ở Châu Phi. Ngày ấy, tôi chưa nghĩ ra việc ủng hộ xe đạp cũ và bộ vệ sinh cá nhân (tối thiểu cần có băng vệ sinh vải tái sử dụng) cho phụ nữ. Tại Tanzania, tôi biết một chị người Đức đã sống tại mảnh đất của người Maasai 12 năm qua và đang cần mẫn giúp phụ nữ bản địa kiếm sống từ việc may bộ vệ sinh cá nhân và giúp bảo tồn cách sống bị cho là mông muội nhưng thực chất đầy trí khôn dân gian giữa vùng đất ngày càng héo hon do biến đổi khí hậu.

– Youtube chị Stephanie Fuchs: https://bit.ly/3oM6QLS

– Instagram: https://www.instagram.com/masai_story/ (her writing is beautiful!)

4 Comments

    1. Em ơi chị chuyển qua Pháp và bận tối tăm mặt mũi, dù lúc nào cũng canh cánh việc lâu rồi mình bỏ bê không viết bài. Chị đang cố gắng thu xếp thời gian và tài chính để quay lại Châu Phi đi từ Pháp em ạ. Mà mấy nơi chị muốn đến đang hơi bất ổn, ví dụ như Ethiopia vùng gần Tigray mới tạm hết nội chiến trên giấy tờ hay CHDC Congo vùng gần vườn quốc gia Virunga vẫn đóng cửa vì có phiến quân nổi loạn 😦 Con gái đi một mình nhiều lúc cũng thiệt thòi vì phải lên kế hoạch kĩ lưỡng hơn, không như mấy đồng chí nam bạo gan có thể thích thì nhảy tàu, thích thì đi nhờ hay ngủ nhờ.

      Đã thích bởi 1 người

      1. Dạ vậy hay có gì ở Pháp thì chị cũng có thể update ạ? Biết c vẫn bình an là e thấy vui rồi ạ. Các vùng ở châu Phi vẫn bất ổn thì c cũng cứ cân nhắc cẩn thận nhé ạ, an toàn của bản thân luôn nên đặt lên hàng đầu ạ ^^

        Đã thích bởi 1 người

  1. Cảm ơn em 🙂 Mỗi người có những mối quan tâm và lĩnh vực mình am hiểu khác nhau, bên Pháp có nhiều cô chú và anh chị hay viết về rồi, chị không dám mon men nữa 🙂
    Chị click vào link blog của em nhưng không mở được.
    Em cũng giữ gìn sức khỏe nhé.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này